Sáng 08-8, tại TP.Dĩ An, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Dĩ An tổ chức Tọa đàm “Dĩ An ¼ thế kỷ – Khát vọng xây dựng và phát triển”.Tham dự có bà Nguyễn Thị Điền – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP.Dĩ An; bà Ngô Ngọc Điệp – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Dĩ An; ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An.
Là thế hệ lãnh đạo từ thời kỳ đầu tái lập, bà Nguyễn Thị Điền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Dĩ An nhớ lại: Năm 1999, huyện Dĩ An được tái lập theo Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 23/7/1999 của Chính phủ bao gồm thị trấn Dĩ An và 5 xã: Tân Đông Hiệp, Đông Hòa, Tân Bình, Bình An, An Bình.
Bà Nguyễn Thị Điền cho biết, tên “Dĩ An” có từ chế độ cũ là quận Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa từ năm 1958, sau đó sáp nhập chia tách địa giới hành chính tên Dĩ An không còn được sử dụng. Khi tái lập huyện lấy lại tên Dĩ An, cán bộ nhân dân rất phấn khởi, có nhiều cảm xúc động lại. Dĩ An là nôi cách mạnh, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà máy Toa xe Dĩ An. Sau kháng chiến Dĩ An nhập vào Thuận An để phát triển nhưng tên Dĩ An bị quên lãng.
Bà Nguyễn Thị Điền nhớ lại: “Là huyện thuần nông, lao động nông nghiệp vùng gò, lao động thủ công với ngành nghề buôn bán nhỏ, nên đời sống chưa có cơ hội phát triển. Khi tái lập thì khát vọng chưa từng có để xây dựng vùng đất Dĩ An ngày càng mãnh liệt. Cán bộ, chuyên viên làm việc không ngừng nghỉ, không chỉ 8 tiếng một ngày mà 13 tiếng hoặc suốt đêm để giải quyết công việc được nhanh nhất”.
Theo bà Nguyễn Thị Điền, những định hướng nền móng ban đầu là rất khó khăn với 40 nhân sự. Nhưng bằng sự đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn, Dĩ An đã đề ra mục tiêu trước mắt, lâu dài, giải pháp thực hiện cụ thể rõ ràng. Trước mắt giải quyết nguồn nhân lực, thu hút nhân tài bằng cách mời gọi nhân tài từ các địa phương, trường đại học. Bên cạnh đó là mời các doanh nghiệp về Dĩ An nghe Dĩ An đang có gì, Dĩ An cần gì và nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký ủng hộ thực hiện cùng góp sức với Dĩ An từ trang bị trang thiết bị, phương tiện như xe rác, xe cứu thương, rồi tặng nhà tình nghĩa, làm nước sạch cho trường học, nhà vệ sinh cho trường học… Giải quyết khó khăn tiếp theo là làm đường giao thông, xóa đồng hồ tổng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo các phong trào thi đua hăng hái trên khắp địa bàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Chánh Văn phòng Dĩ An cũng chia sẻ, thời kỳ đầu rất khó khăn về cơ sở vật chất. Văn phòng chưa tới 30 mét vuông với hơn 10 người làm việc. Thậm chí lãnh đạo không có phòng làm việc riêng.
“Khi đó tôi mới 25 tuổi với khát vọng của tuổi trẻ cùng với tình yêu quê hương nên đã khắc phục mọi khó khăn vươn lên và đặc biệt là niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng, niềm tin của nhân dân đối với mình làm động lực để làm việc”,\. Với sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ và nhân dân, từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng từ chỗ không có gì mà bây giờ đã ngang tầm với đô thị lớn trong khu vực.
Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty Bcons cho biết: 80% tài sản của Bcons đầu tư ở Dĩ An với 12.000 căn hộ và trường học. Sắp tới thêm khoảng 20.000 căn hộ đang tiếp tục đầu tư.
Ông Lê Như Thạch nêu lý do chọn Dĩ An để phát triển là do Dĩ An có nhiều lợi thế, như vị trí là trung tâm của Đông Nam bộ với 2 tuyến Quốc lộ 1A và 1K tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Bên cạnh đó Dĩ An cũng có 4.000 Tiến sỹ của trường Đại học Quốc gia ngay trên địa bàn mà không phải nơi nào có được, chưa kể hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm.
Tự hào về Dĩ An là cái nôi cách mạng nên khi đầu tư lãnh đạo rất cởi mở tìm cách hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cho đúng quy định pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp đầu tư tới đâu, đường giao thông mở tới đó nên doanh nghiệp rất thuận lợi trong đầu tư.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho biết, địa phương có khát vọng xây dựng và phát triển. Xác định Dĩ An trong tương lai trở thành một trong những vệ tinh quan trọng của khu vực Đông Nam bộ. “Chúng tôi sẽ nỗ lực, làm tất cả những gì có thể để đưa Dĩ An phát triển xứng tầm, lấy Quận 1 (TPHCM) làm mục tiêu phấn đấu. Dĩ An nhìn lại 1/4 thế kỷ qua và tiếp theo phải làm gì? Đây là điều chúng tôi phải nghiên cứu. Tôi khẳng định, thành phố Dĩ An sẽ làm tất cả để biến ước mơ thành hiện thực trong tương lai gần”
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế của thành phố Dĩ An tốc độ tăng trưởng ổn định, hầu hết giá trị đạt được tăng so với cùng kỳ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 69.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 72.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước là 4.026 tỷ đồng, đạt trên 60% dự toán UBND tỉnh giao và Nghị quyết HĐND thành phố thông qua, tăng 65,85% so với cùng kỳ.
Thành phố Dĩ An, hiện có mật độ dân số cao nhất cả nước, khoảng 8.326 người/km2, có diện tích tự nhiên 600ha với 7 phường, dân số hiện tại cán mốc trên 500 nghìn người.
Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Thuận An (Bình Dương), thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (TPHCM).
Trên thực tế, Dĩ An có vị trí thuận lợi tại giao điểm các trục hành lang kinh tế quan trọng như: Hành lang kinh tế động lực Bắc – Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam); hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Quốc lộ 22; đường Vành đai qua TPHCM đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy, đường sắt.
“Từ giờ cho đến năm 2030 và xa hơn là năm 2050 TP Dĩ An phải phấn đấu trở thành thành phố sáng, xanh, sạch đẹp. Những tuyến đường, những con hẻm, trường học công viên… phải phục vụ tốt nhu cầu về tinh thần và vật chất của người dân”.
Thanh Trúc