Một loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với những con số đáng chú ý, trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh vào quý II và cuộc đua tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn “nóng”.
Ngày 30-7, Ngân hàng Quân Đội (MB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,3% so với năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân ngành. Lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt 13.428 tỉ đồng, tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 13.168 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, MB tiếp tục duy trì tỉ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dẫn đầu thị trường khoảng 38,83% nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Lợi thế này giúp MB tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể.
Trong nửa đầu năm 2024, MB thu hút thêm 1,8 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng ngân hàng đang phục vụ lên 28 triệu khách hàng. Tỉ lệ chuyển đổi số của ngân hàng đạt 99,3%.
Một ngân hàng khác cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế bán niên lên đến 8.165 tỉ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ là Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank).
Tại thời điểm 30-6, HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13% so với đầu năm, là một trong những ngân hàng có mức tăng tín dụng cao hơn nhiều so với trung bình ngành.
Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh được HDBank lý giải là do tăng cường hiệu quả hoạt động và áp dụng các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số. Quy mô huy động vốn đạt trên 552.000 tỉ đồng, trong đó đáng chú ý tiền gửi từ kênh ngân hàng số đạt gần 40.000 tỉ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ghi nhận lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 6.860 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. SHB tiếp tục là ngân hàng có chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống ở mức 22,25%, với đóng góp từ chuyển đổi số, tự động hóa quy trình vận hành.
Theo SHB, trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đang tập trung công tác giám sát và xử lý nợ xấu. Ngân hàng đã thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ và đưa ra các giải pháp phù hợp thu hồi nợ xấu, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ, vượt qua khó khăn.
Cũng trong ngày, Ngân hàng Phương Đông (OCB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ghi nhận mức 2.113 tỉ đồng lợi nhuận. Mức lợi nhuận này sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 2.560 tỉ đồng.
Trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 6,3%, cao hơn trung bình ngành thì tăng trưởng huy động vốn lại giảm nhẹ về mức xấp xỉ cuối năm 2023. OCB lý giải mức sụt giảm huy động vốn là do ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp hơn…
Nhờ chiến lược chuyển đổi số, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng số OCB OMNI có số lượng giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 52%.
“Dù thu thuần từ lãi tăng không đáng kể, tuy nhiên OCB đã tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ, do ngân hàng chủ động hỗ trợ lãi suất và phí thông qua các chương trình đồng hành cùng khách hàng theo chủ trương chung” – đại diện OCB nói.
P.V