Nhà hát nghệ thuật Phương Nam vừa ra mắt Khu vui chơi trải nghiệm nghệ thuật múa rối – xiếc tại Rạp xiếc công viên Gia Định. Có thể coi đây là một tín hiệu lạc quan để nhà hát mang 2 loại hình múa rối và xiếc đến gần với khán giả nhí hơn.
Các khán giả nhí thích thú với loại hình múa rối nước
Tôn vinh giá trị truyền thống
Theo chân của nghệ sĩ Nguyễn Phi Sơn – Trưởng đoàn xiếc Bầu Trời Xanh hơn 30 phút, chúng tôi mới tham quan hết khu vườn nghệ thuật mang tên Khu vui chơi trải nghiệm nghệ thuật múa rối – xiếc mới trình làng. Ngay từ xa, các khán giả nhí sẽ rất thích thú với nhân vật nổi tiếng trong làng rối nước là tượng chú Tễu cao sừng sững như lời chào đầu tiên tiếp khách vô nhà. Các bé thật sự ấn tượng khi bước vào khu triễn lãm các hình ảnh về nghệ thuật xiếc như uốn dẻo, đu giây, xiếc thú… tạo nên một kênh hình đầy màu sắc. Hấp dẫn hơn vẫn là mô hình các nhân vật rối nước là những con vật quen thuộc của vùng lúa nước như trâu bò, rùa, rồng, vịt gà… tuy xương thịt bằng gỗ những vô cùng sống động. Từng được xem rối nước nhiều lần ở Nhà văn hóa Lao động TP.HCM nhưng đây là lần đầu tiên bé Thảo Nhi, nhà ở Phú Nhuận mới “mục sở thị” các con vật đứng sát cạnh mình. Một không gian nghệ thuật đã hé mở cánh cửa đầu tiên trong mắt bé với niềm vui náo nức lộ rõ trên từng khuôn mặt. Theo lời giới thiệu của 2 bạn rối tay, các khản giả nhí bước sang phòng chiếu bóng lộ thiên cũng không kém phần hấp dẫn. Bằng những con rối que và đèn chiếu hắt ngược, một câu chuyện cổ tích được tái hiện nhờ bàn tay biến hóa của các nghệ sĩ múa rối để làm cho những đôi mắt cứ nhìn theo xoe tròn. Sân khấu truyền thống đậm màu sắc núi rừng hiện ra khi các em bắt gặp dàn nhạc cụ đồng bào Tây Nguyên được mô phỏng như thiệt. Đàn T’rưng, đàn K’lông Pút, đàn đá, chiêng trống… đã ra mắt khán giả nhí miền xuôi với nhiều cung bậc thanh âm khác nhau. Đúng như nghệ sĩ Phi Sơn giới thiệu, khi nút công tắc điện được bấm, tất cả mọi người reo lên thích thú vì các nhạc công đã bắt tay vào làm việc tạo nên một bản hòa tấu đa sắc màu.
Khu trưng bày nhạc cụ đờn ca tài tử Nam bộ
Dùng công nghệ hiện đại, các nhạc công không chỉ còn là những tượng gỗ mà đã trở thành người nghệ sĩ có đôi tay đánh đàn điêu luyện chẳng khác gì chương trình âm nhạc do con người biểu diễn. Đã từng học trong sách giáo khoa nhưng chỉ đến khi bước chân vào khu trải nghiệm các em mới được hòa mình vào không gian âm nhạc chỉ dành riêng cho tuổi thơ. Hình ảnh giã gạo chày đôi, dệt vải, xay lúa… sống động đưa các em đến những miền quê xa của tổ quốc trong một không gian tương tác giàu trí tưởng tượng.
Các diễn viên chuẩn bị tiết mục múa rối
Chưa kịp thưởng thức hết bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn trên miền sơn cước, các bé đã vội nối bước chân nhau sang phòng trưng bày nhạc cụ đờn ca tài tử Nam bộ vì chiếc công tác điện bên đó đã bật lên. Một dàn hợp xướng vùng sông nước được mở ra trước mắt khi nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc đờn cò, đờn nhị, đờn tranh, đờn nguyệt… Chiếc nón lá, mảnh khăn rằn trên vai người nghệ sĩ gợi nên hình bóng quê nhà vốn là nơi hò hẹn ngập tràn lời ca điệu hát của chín dòng sông.
Mỗi phòng triển lãm âm nhạc chắc chắn sẽ trở thành ngăn ký ức của trẻ thơ dù sau này lớn lên và đi xa. Đó cũng là cái tâm và tầm chiến lược nhìn xa của đoàn xiếc Bầu Trời Xanh và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam khi đặt lợi ích đầu tiên cho thế hệ tương lai của đất nước, không hề chịu khoanh tay đứng nhìn nền sân khấu truyền thống đang trong giai đoạn khủng hoảng nhiều mặt.
Nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật
Qua bàn tay điêu luyện của các diễn viên những câu chuyện cổ tích, từng nhân vật quen thuộc trong trí nhớ trẻ thơ lại hiện về bằng loại hình rối tay, rối que, rối dây… lung linh sắc màu nghệ thuật. Ngắm nhìn những khuôn mặt khán giả mới thấy nỗi khát khao quá lớn đối với trẻ em khi phải “nhịn ăn” nhiều ngày không được thưởng thức sân khấu vì cơn dịch bệnh kéo dài. Ở sân chơi này, nghệ thuật xiếc mới có cơ hội trình diễn các tiết mục nhào lộn, đi cà kheo, nhảy dây với các diễn viên trong những bộ trang phục vô cùng sặc sỡ.
Đúng như lời của NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM nói: “Đây là công trình được chúng tôi ấp ủ rất lâu với mong muốn tạo ra một sân chơi dành cho các em thiếu nhi, có sự kết hợp giữa các trò chơi vận động ở khu vui chơi giải trí và tìm tòi khám phá các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các hình thức trực quan sinh động, đặc biệt là nghệ thuật rối và xiếc. Chúng tôi mong muốn mô hình này sẽ là điểm đến phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tôi kỳ vọng sau khi ra mắt nhà hát sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để đa dạng hóa nơi đây, phong phú hơn màu sắc loại hình nghệ thuật của mình. Có thể ứng dụng thêm khoa học kỹ thuật để các em tiếp cận thêm nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng của dân tộc”. |
Đây cũng là lúc chú hề mũi đỏ có dịp trổ tài hoạt ngôn tạo nên một không khí hứng khởi với các câu hỏi mang tính phát hiện càng thêm cuốn hút buổi diễn. Mặt nước chiếc hồ nhỏ trong khu trải nghiệm bỗng nhiên bừng tỉnh khi sân khấu rối nước hiện ra. Sau tấm 4 màn tre, dưới sự điều khiển của các diễn viên, từng vở diễn rối tiếp tục lôi cuốn sự chú ý của khán giả nhí. Không còn là những tượng gỗ như trong phòng triển lãm, các nhân vật rối đã được thổi hồn người có tiếng nói và đời sống nghệ thuật riêng. Dù không có ánh đèn lung linh của ban đêm nhưng cả hồ nước cũng đủ sức quyến rũ người xem đi từ tích này đến trò dân gian khác. Mỗi vở diễn như xây đắp thêm tâm hồn khán giả về niềm tự hào của loại hình độc nhất vô nhị đã làm say lòng các nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống trên thế giới. Biết đâu trong dòng người xem hôm nay sẽ có những nghệ sĩ rối tương lai đem nghệ thuật độc đáo này đến với bạn bè năm châu với niềm kiêu hãnh lớn.
Theo Giaoduc.edu.vn