Sửa luật để gỡ nút thắt trong hoạt động đầu tư

Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này nhất là trên lĩnh vực đầu tư sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên một số đại biểu nhấn mạnh tính cần thiết của việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các địa phương đối với dự án ODA khi đây là lĩnh vực còn nhiều vướng mắc.

Ảnh minh hoạ.

Ông Trần Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng: ”Cần làm rõ quy định tại điều 1 của luật sửa đổi lần này làm sao không vô hiệu điều 14 của luật quản lý nợ công. Vì liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng trong việc phê duyệt sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài”.

Về luật điện lực, một số đại biểu băn khoăn về quyền đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia và khả năng tham gia vào lĩnh vực này của doanh nghiệp tư nhân. Tại phiên thảo luận, có đại biểu đề nghị cân nhắc đưa nội dung sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào lần sửa đổi này.

Tại nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra yêu cầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng, do đó tôi không đồng ý đưa nội dung này vào luật sửa đổi nhiều luật lần này. Tôi đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội xem xét sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nói.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ.

Theo VTV