Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại khi nguồn cung hạn chế, giá bán cao, mức thanh khoản kém,… Điều này khiến nhiều môi giới bất động sản “ế ẩm”, chật vật tìm khách, điêu đứng vì không có giao dịch trong thời gian dài.
Môi giới bất động sản ế ẩm, không có giao dịch trong nhiều tháng
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, giao dịch chậm, thanh khoản kém khiến nhiều môi giới bất động sản ế ẩm, không chốt được giao dịch trong nhiều tháng.
Anh Mạnh Thắng, môi giới bất động sản ở Hà Nội cho biết nhiều tháng nay, thị trường bất động sản chững lại. Một số dự án công ty anh phân phối không có khách nào hỏi mua. Trong khi đó, để duy trì công việc, anh Thắng vẫn phải thường xuyên qua lại dự án ở Bắc Ninh, Hưng Yên. Chưa kể, tiền điện thoại cho khách, chi phí chạy quảng cáo trên một số mạng xã hội.
“Nhiều tháng nay tôi chưa chốt được giao dịch nào, tiền sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi tiêu. Tiền sử dụng tôi phải dùng các khoản tiết kiệm trước đó. Trong khi, nguồn thu nhập chính của tôi là tiền hoa hồng nếu giao dịch mua bán thành công, còn lương cứng của công ty thì không đáng là bao”, anh Thắng chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với anh Thắng, anh Tùng Linh môi giới bất động sản cho biết không chỉ anh mà rất nhiều môi giới bất động sản khác cũng gặp khó khăn. Qua vài năm ảnh hưởng bởi Covid-19 hầu như thị trường bất động sản chững lại rồi thời gian qua bị siết tín dụng ngân hàng nên càng khó khăn hơn.
“Thị trường khó khăn khiến nhiều môi giới bất động sản phải làm thêm các nghề khác, thậm chí phải chuyển nghề vì không trụ lại được. Tôi cũng phải làm thêm một số công việc để duy trì tiếp tục theo nghề này, mong rằng thời gian tới thi trường hồi phục”, anh Linh chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Tùng, môi giới bất động sản nay đã chuyển sang làm nghề khác cho biết anh đã chuyển công việc được 3 tháng nay. Anh Tùng cũng cho rằng thấy thị trường khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn nên phải chuyển nghề để có tiền nuôi sống gia đình.
“Tôi thấy ít nhất hết năm 2022 thị trường bất động sản mới có dấu hiệu hồi phục, tôi không đủ khả năng trụ lại nên phải chuyển nghề khác kiếm sống. Nhiều bạn bè tôi cũng như vậy, hầu như ai làm môi giới tự do hay những văn phòng nhỏ đều khó mà trụ lại trong giai đoạn thị trường trầm lắng hiện nay”, anh Tùng nhận định.
Thị trường chững lại, tình trạng môi giới bất động sản ế ẩm còn tiếp diễn
Khi thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng, giao dịch chậm, nhiều môi giới gặp khó để chốt được hàng. Cùng với những khoản chi phí đang tăng cao trong thời lạm phát khiến cuộc sống của họ thêm những gánh nặng.
Nhiều môi giới bất động sản cho biết khách hàng của họ là những người đầu tư kinh doanh, trong khi phần lớn họ phải gồng gánh chi phí lãi vay ngân hàng. Với phân khúc căn hộ việc trả góp để mua sau đó bán lại với mức giá tăng đột biến để chốt lời là rất khó, thời gian cũng phải qua vài quý trở lên. Một số khách cho thuê giá rẻ, khi khách trả nhà, nhà đầu tư lại mất một khoản chi phí để bảo trì.
Ngoài ra, người mua bây giờ thận trọng trong chi tiêu, đầu tư khi các kênh đều có rủi ro. Điển hình như thị trường chứng khoán, bitcoin biến động, tính thanh khoản bất động sản không cao. Nhiều nhà đầu tư trong trạng thái lo sợ về hiệu quả lợi nhuận thấp, thanh khoản kém mà dè dặt khi xuống tiền.
Các chuyên gia bất động sản nhận định tình trạng ngân hàng giới hạn room tín dụng, yêu cầu một số tiêu chí về mức hạn cho vay, tài sản thế chấp hay tạm dừng giải ngân dẫn đến việc người mua gặp khó khi tiếp cận gói tín dụng. Những người thực sự có tiềm lực mạnh về tài chính mới có thể đầu tư vào bất động sản. Thị trường có xu hướng chuyển từ trạng thái đầu tư trung sang dài hạn, giảm cơ hội mua bán trong ngắn hạn, loại bỏ nhóm nhà đầu cơ.
Tiếp đó, lệch pha cung – cầu với nguồn cung các dự án mới cùng quỹ đất tại khu vực trung tâm tiếp tục khan hiếm khiến các giao dịch với loại hình căn hộ thấp, thị trường thứ cấp cũng trầm lắng. Điều này gây ra khó khăn để tạo ra sự sôi động trên thị trường bất động sản, do đó những môi giới bất động sản sẽ gặp khó trong thời gian tới.
Thành Trung