Chia sẻ về vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, TS Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng sự cố níu giữ quyền lực quản lý đã tạo lực cản cho quá trình này, cùng đó là sự kháng cự từ các cơ quan soạn thảo văn bản và quá trình thực thi còn diễn ra khoảng cách rất lớn giữa văn bản và thực thi.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện CIEM, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2019 đến nay có xu hướng chững lại.
Điều này biểu hiện ở chỗ cải cách đã thực hiện trên văn bản nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất.
Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng chững lại mặc dù nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do.
Đồng thời, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ nhưng thực tế thực thi còn hình thức. Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện CIEM. Ảnh: Hà Anh.
Bàn sâu về vấn đề lực cản trong hoạt động cải cách môi trường kinh doanh, bà Thảo cho rằng, đây chính là sự cố níu giữ quyền lực quản lý ở trong các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý Nhà nước. Cũng như trong chừng mực nào đó là sự kháng cự từ các cơ quan soạn thảo văn bản và quá trình thực thi còn diễn ra khoảng cách rất lớn giữa văn bản và thực thi.
Bà Thảo nhấn mạnh, thể chế thu hút đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vì họ gặp rất nhiều rào cản. Doanh nghiệp chưa thực hiện được điều mà pháp luật không cấm. Một số doanh nghiệp do không có hệ sinh thái hỗ trợ nên đã tìm kiếm các quốc gia có thể chế thuận lợi hơn, nhất là trong ASEAN như Singapore.
Cùng với đó, khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp không được bảo đảm thì doanh nghiệp đó cũng sẽ tìm kiếm các quốc gia có quyền bảo đảm tốt hơn, có thể chế khơi thông và thúc đẩy ý tưởng sáng tạo.
Đây là một trong những thách thức mà Nghị quyết số 02/NQ – CP của Chính phủ nhấn mạnh phải cải cách thể chế, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, tạo ra cơ chế khuyến khích chứ không phải dùng công cụ quản lý cũ để chúng ta đưa vào áp dụng cho ý tưởng mô hình kinh doanh mới.
Cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng nhất – giải pháp phi tài chính, không cần ngân sách nhưng lại tạo lực đẩy rất lớn. Nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh, thực thi các sáng kiến kinh doanh lâu dài.
“Trong quá trình thực thi chúng ta cũng còn thấy khoảng cách giữa văn bản và thực thi rất lớn, vì thế, cần thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các bộ ngành và địa phương cũng như sự giám sát chặt chẽ quá trình thực thi cải cách môi trường kinh doanh. Trong đó có việc chấp nhận từ bỏ quyền lực quản lý tạo lực cản. Những cải cách như vậy sẽ giúp bộ máy quản lý của Nhà nước thực hiện hiệu quả hơn, thay đổi chính công cụ quản lý Nhà nước”, bà Thảo nói.
Theo Doanhnghiepvn.vn