Ngày 10/7/2025 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung cao su tiểu điền: Thực trạng và khả năng đáp ứng Quy định chống mất rừng của Liên minh Châu Âu”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bao gồm Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Trồng trọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu các mặt hàng cao su, một số công ty công nghệ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí.
Chương trình với mục tiêu cung cấp thông tin về chuỗi cung cao su tiểu điền, giúp cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam và các bên liên quan chuẩn bị để đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Đồng thời cung cấp thông tin về Quy định của EUDR, chia sẻ thông tin về thực trạng chuỗi cung cao su tiểu điền của Việt Nam, bao gồm thông tin về một số mô hình liên kết đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đề xuất các giải pháp hướng tới đáp ứng đầy đủ các quy định của EUDR đối với chuỗi cung cao su tiểu điền, và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam nói chung trong tương lai.

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết: “Yêu cầu truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi cung ngày càng trở thành tiêu chuẩn bắt buộc tại các thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung cao su tiểu điền – vốn là nền tảng của ngành cao su Việt Nam và gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân – đang đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu nếu không có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Việc đáp ứng EUDR là một thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội để nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn. VRA sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ tiểu điền và các bên liên quan nhằm thúc đẩy mô hình chuỗi cung minh bạch, phù hợp với xu thế của thị trường thế giới.”
Ngành sản xuất và chế biến cao su là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2024 tổng diện tích trồng cao su của cả nước đạt gần 910 ngàn ha, trong đó diện tích thuộc các hộ gia đình (còn gọi là cao su tiểu điền) chiếm 54%, và thuộc các doanh nghiệp chiếm 46%. Cao su tiểu điền ngày càng trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng đối với ngành. Diện tích tiểu điền tăng dần qua các năm và chính thức vượt qua diện tích đại điền từ năm 2017. Năm 2024 lượng cung cao su nguyên liệu từ các nông hộ đạt 819 ngàn tấn mủ, tương đương 63% trong tổng 1,3 triệu tấn (quy khô) nguyên liệu trong nước. Lượng cung cao su từ tiểu điền dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong những năm tới.

Năm 2024 tổng diện tích trồng cao su của cả nước đạt gần 910 ngàn ha, trong đó diện tích thuộc các hộ gia đình (còn gọi là cao su tiểu điền) chiếm 54%, và thuộc các doanh nghiệp chiếm 46%.
Việt Nam hiện đã và đang hình thành các mô hình cao su đại điền và tiểu điền đáp ứng EUDR. DN đáp ứng EUDR chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn. Mô hình tiểu điền đáp ứng EUDR chủ yếu là các sáng kiến của các DN tư nhân, như mô hình của Công ty Mai Vĩnh, Việt Sing, Thuận lợi, thực hiện thông qua việc liên kết các hộ tiểu điền và các đại lý, tổ chức chuỗi cung nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp và không gây mất rừng. Sản phẩm “cao su đáp ứng EUDR” từ các mô hình này đã được xuất khẩu sang EU với mức giá cao hơn sản phẩm thông thường từ US$150 tới US$300/tấn. “Nhu cầu của thị trường trong tương lai rất lớn. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng thị trường trong tương lai.” – Bà Đặng Thị Hoa Mai, Giám đốc công ty chia sẻ.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Tổ chức Forest Trends, cho rằng doanh nghiệp (DN) chế biến cần có vai trò thúc đẩy hình thành chuỗi cung tiểu điền bền vững, đặc biệt là DN tư nhân. “Nguồn cung cao su nguyên liệu từ hộ tiểu điền có vai trò quan trọng không chỉ với DN tư nhân và cả với DN Nhà nước. Sự chung tay của các DN hỗ trợ hộ tiểu điền đáp ứng các yêu cầu minh bạch chuỗi cung và bền vững nên là một hợp phần cơ bản của mô hình kinh doanh của DN, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài và chuỗi cung có kiểm soát và bền vững,” Tiến sỹ Tô Xuân Phúc nêu quan điểm.
Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) từ năm 2023, và sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 30/12/2025. EUDR yêu cầu 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, khi nhập khẩu vào EU phải đảm bảo (a) toàn bộ chuỗi cung – từ sản xuất đến xuất khẩu – tuân thủ pháp luật quốc gia nơi sản xuất, có khả năng truy xuất đầy đủ, và (b) quá trình sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng cao su thiên nhiên (CSTN) và sản phẩm cao su (SPCS). Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu 627 triệu USD các mặt hàng này vào thị trường EU, tương đương 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Hiện chưa có con số chính xác về lượng cao su nguyên liệu nguồn gốc từ tiểu điền được đưa vào chuỗi cung xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên chắc chắn có một lượng nguyên liệu từ nguồn này nằm trong các mặt hàng CSTN và SPCS đang được xuất khẩu vào thị trường này.
Mặc dù vậy, hiện chuỗi cung cao su từ hộ tiểu điền hết sức phức tạp, sự vận hành của chuỗi không đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Chuỗi cung này chủ yếu hoạt động theo hình thức tự phát, với sự tham gia của 264 ngàn hộ tiểu điền, cùng nhiều cấp đại lý trung gian có vai trò kết nối hộ và các doanh nghiệp chế biến nhưng thiếu cơ chế kiểm soát truy xuất. Trong chuỗi cung cao su tiểu điền hiện nay, hầu hết nông hộ không có sổ ghi chép hoạt động sản xuất, thông tin pháp lý về đất đai không đầy đủ, trong khi đại lý trung gian không lưu trữ hồ sơ giao dịch một cách có hệ thống và một số hoạt động mà không đăng ký kinh doanh, khiến việc chứng minh tính hợp pháp và không gây mất rừng là khó khả thi. Để đáp ứng các yêu cầu của EUDR và duy trì khả năng xuất khẩu sang thị trường EU, rất cần có những can thiệp để tổ chức lại chuỗi.
Thanh Trúc