Hành nghề dạy học: Có cần giấy phép?

 Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà giáo, một số quan chức, chuyên gia cho rằng, cần có giấy phép hành nghề dạy học, nhưng cần đánh giá tác động nhiều chiều.

Tại Hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lí nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở khẳng định, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Mặc dù các quy định cụ thể để quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành tương đối đầy đủ, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp. Văn bản liên quan có số lượng lớn, đa dạng do nhiều chủ thể ban hành vào những thời điểm khác nhau, nên có tình trạng chồng chéo trong quy định, khó áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết đối với sự phát triển giáo dục.

Nhà giáo mong chờ Luật Nhà giáo

Đánh giá tác động nhiều chiều

Ngày 10/7, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến với một số nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ hy vọng, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được tốt mối quan hệ giữa ngành giáo dục và ngành nội vụ từ Trung ương tới địa phương; đặc biệt, giải quyết được 2 việc cơ bản nhất là thu nhập và quyền tự chủ của nhà giáo.

Ông Hiển cho rằng cần quy định thống nhất các yêu cầu về chức danh nhà giáo, chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo đứng đầu cơ sở giáo dục, làm căn cứ để quy định các chuẩn cụ thể tương ứng với từng chức danh nhà giáo, người đứng đầu cơ sở giáo dục của từng cấp học và trình độ đào tạo, áp dụng cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Quy định rõ nguyên tắc tự chủ trong quản lí nhà giáo của các cơ sở giáo dục như là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Quy định rõ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cơ sở giáo dục, nhà giáo.

Đồng thời, Luật cần quy định về quản lí các hoạt động xã hội hóa việc xây dựng , phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm nhà giáo ngoài công lập được trả chế độ không thấp hơn nhà giáo công lập có cùng chức danh và tương đương… Nội dung Luật Nhà giáo cần tương thích với các quy định chung về quản lí viên chức.

Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, cho rằng, những điểm nghẽn hiện nay như vị thế nhà giáo, tuyển dụng nhà giáo, chính sách tiền lương… đều đã được đưa vào dự thảo Luật. Về giấy phép hành nghề dạy học, bà Doan khẳng định là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều; mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này; rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để tương thích…

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng Luật Nhà giáo còn có một mục đích rất quan trọng khẳng định dạy học là một nghề. “Đã là một nghề thì người hành nghề phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Vấn đề cần xin ý kiến là vai trò, tính pháp lí của chứng chỉ hành nghề dạy học trong mối quan hệ với các chứng chỉ văn bằng khác do các luật khác quy định đối với viên chức, người lao động, trên quan điểm chất lượng, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và Nhà nước”, bà Lộc nói.

Đồng tình cần thiết có quy định về giấy phép hành nghề dạy học, ông Hiển cho rằng việc ban hành giấy phép hành nghề dạy học để dễ dàng đưa các quy định về chuẩn nhà giáo vào cuộc sống, khắc phục việc lạm dụng danh nghĩa nhà giáo, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo. Việc ban hành giấy phép này cần bảo đảm giúp nâng cao vị thế nhà giáo, không gây phiền hà cho nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự cần thiết có giấy phép hành nghề dạy học và cho rằng Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lí với lực lượng này. Ông Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn diện, sâu sắc, triệt để các ý kiến góp ý.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho hay việc sử dụng và đánh giá nhà giáo ở các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù nhiều văn bản ban hành nhưng chưa có một văn bản nào quy định cụ thể “sử dụng nhà giáo” gồm những nội dung gì. Chưa có quy định về điều động, thuyên chuyển, biệt phái… đối với nhà giáo thực hiện như thế nào. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình quản lí, thực hiện nhiệm vụ cho người sử dụng nhà giáo và cả nhà giáo được sử dụng.

Hải Trường