Xuất khẩu cá tra 2 tháng qua tăng trưởng cao. Dự báo xuất khẩu cá tra khởi sắc trong năm 2022, chấm dứt tình trạng “tăng trưởng âm” trước đây.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), bước vào những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Châu Âu (EU) đang có dấu hiệu phục hồi rất lạc quan, là cơ sở để các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng xuất khẩu cá tra sang thị trường tiềm năng này sẽ bật tăng trở lại như “giai đoạn hoàng kim” 2016-2018.
Thống kê sơ bộ cho thấy, đến nửa đầu tháng 2.2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 20,2 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là mức tăng trưởng lạc quan nhất sau nhiều tháng xuất khẩu cá tra bị chững lại hoặc giảm sâu. Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Đức và Tây Ban Nha là 4 thị trường xuất khẩu cá tra đơn lẻ lớn nhất trong khối của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trong đó, Hà Lan là thị trường lớn nhất chiếm 36,6% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này” – bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra (VASEP), thông tin.
VASEP cũng đánh giá, từ đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đang tăng trưởng dương tích cực trở lại, đó là hy vọng cho nhiều doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường này sau một thời gian “tháo chạy” vì thị trường EU không còn hấp dẫn đối với mặt hàng cá tra.
Phân tích về thị trường EU, chuyên gia Tạ Hà cho hay: Cách đây hơn 10 năm, EU là thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống và lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời điểm “hoàng kim” ở những năm 2016-2018, xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu chững lại và giảm dần.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà nhập khẩu cá tra của EU cho hay, họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực EU trong tình trạng ảm đạm.
Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lâm vào tình trạng khó khăn khi khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm số lượng mua, thậm chí, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp ký.
Bên cạnh đó, giá vận tải biển, chi phí thuê container tăng cao khiến xuất khẩu cá tra càng khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp tại EU tỏ ra khá thận trọng, dè dặt trong việc đặt hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp từng xuất khẩu mạnh sang EU đã chuyển sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ai Cập, Colombia, Thái Lan… khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang EU liên tiếp sụt giảm.
Bước sang năm 2022, việc EU đang đẩy mạnh nhập khẩu trở lại cá thịt trắng, cá tra của Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp tìm lại được thị trường EU sau 2 năm ròng xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong tình trạng “đóng băng”.
VASEP cũng đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu cá tra rất tiềm năng của Việt Nam, mặc dù hiện nay thị trường này cũng chưa hồi phục hoàn toàn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo Laodong.vn