Năm 2021 các giao dịch không dùng tiền mặt chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, có giao dịch tăng trưởng hơn 85%. Đồng thời, các giao dịch rút tiền mặt tại các ATM chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam (Vietnam Retail Banking Forum) do tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức, Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng thời gian qua.
Theo đó, năm qua là một năm thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ mạnh mẽ. Thanh toán qua di động đã tăng gần 87,5% về giá trị và 75,97% về số lượng. Thanh toán qua Interet tăng 48,76% về số lượng và 32,59% về giá trị.
Đặc biệt trong giai đoạn 3 năm 2017-2021, số giao dịch thông qua ví điện tử đã tăng 80,43%, giá trị giao dịch tăng 71,86%. Theo ông Dũng, mức tăng trưởng ấn tượng này một phần đến từ việc ngân hàng nhà nước trong năm qua đã có những chỉ đạo và điều hành giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc của các ví điện tử. Đặc biệt là trong khâu định danh khách hàng.
Số lượng thẻ ngân hàng và thanh toán chuyển khoản ngân hàng truyền thống vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, số lượng tài khoản cá nhân đạt hơn 114,62 triệu tài khoản, tăng 11,44%. Số lượng thẻ lưu hành đạt 119,5 triệu thẻ, tăng 9,14%. Đáng chú ý năm vừa qua nhờ có hoạt động eKYC mà có đến 3,7 triệu tài khoản mở mới theo phương thức này.
Ngoài ra, có 1 hoạt động đang thí điểm là mobile money có 830.000 tài khoản và có 3 đơn vị là VNPT-Media, Mobifone và Viettel đang được cấp phép. Hiện có khoảng 80 ngân hàng Việt Nam đang triển khai mobile banking, gần 80.000 doanh nghiệp triển khai thanh toán bằng mã QR. Phó Vụ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động thanh toán QR.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất tích cực về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Như McKinsey, 88% khách hàng cá nhân tại châu Á thái Bình dương mới nổi tích cực sử dụng ngân hàng số, tăng 33 điểm %, Việt Nam lại tăng đến có 41 điểm %.
Bên cạnh đó, hệ thống NAPAS năm qua cũng đã xử lý hơn 10 triệu giao dịch/ngày. Đồng thời, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM qua hệ thống NAPAS đã giảm mạnh từ 26% xuống còn 12%.
Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, Đại diện Agribank, ông Linh Đức Hoàng chia sẻ, hiện ngân hàng có hơn 80% khách hàng ở khu vực nông thôn, có 20 triệu khách hàng có tài khoản thanh toán, 17/20 triệu người dùng sử dụng ATM, 15 triệu người dùng sử dụng ngân hàng điện tử.
Ông Lê Anh Dũng cũng cho biết, xu hướng chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đã diễn ra từ trước, Covid chỉ như một chất xúc tác giúp góp phần thúc đẩy hoạt động này diễn ra nhanh hơn.
“Covid bùng phát và kéo dài là chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng bán lẻ, làm hoạt động chuyển đổi số rút ngắn được 2-3 năm đối với ngành ngân hàng.”
Ông Lê Anh Dũng phát biểu tại hội thảo
Đại diện ngân hàng nhà nước cũng chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của cơ quan điều hành đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 1813/QD-TTg. Cụ thể, đến 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt có thể gấp 25 lần GDP, chiếm 50% trong các giao dịch thương mại điện tử; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng; tốc độ tăng trưởng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20-25%; kênh mobile đặt mục tiêu tăng trưởng 50-80% về số lượng và 80-100% về giá trị giao dịch; Kênh Internet tăng trưởng 35-40% về số lượng và giá trị; hoạt động công cũng đặt mục tiêu thanh toán 90-100% không dùng tiền mặt trong hoạt động giáo dục, 60% trong hoạt động y tế và an sinh xã hội.
Phó vụ trưởng cũng đề cập đến việc mục tiêu định hướng phát triển hệ sinh thái thanh toán số không chỉ chuyên sâu mà còn đa dạng về kênh thanh toán.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị