Tiếp đà tăng trưởng trong năm ngoái, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm những bứt phá mạnh mẽ trong năm nay, tạo thêm lực đẩy để thị trường bất động sản phục hồi như giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhiều động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục giữ ở mức khá, vào khoảng 6,5% theo mục tiêu của Nghị quyết mà Quốc hội ban hành. Số liệu mà các định chế tài chính như IMF, WB hay ADB đưa ra cũng đều ở mức hơn 6%. Nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm nay là động lực từ “cỗ xe tam mã” gồm: tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công.
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng từ 8 – 9% so với doanh thu hơn 5,6 triệu tỉ đồng của năm ngoái. Con số có thể còn cao hơn nữa vì du lịch được dự báo là vẫn ở mức “bùng nổ”. 102 triệu lượt khách nội địa, cùng với 8 triệu khách quốc tế sẽ kích thích hàng loạt dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi, giải trí…
Với xuất khẩu, việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid đang mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều mặt hàng, cùng với ưu thế được tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Trên cơ sở các đòn bẩy này, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 hoàn toàn có thể cán mốc 394 tỉ USD, tăng thêm khoảng 22 tỉ USD so với cùng kỳ.
Trong khi đó, năm 2023 cũng là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, tổng giá trị đầu tư công đã được Quốc hội thông qua là khoảng 700 nghìn tỉ đồng, ưu tiên cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Đây là nguồn vốn “mồi”, có tác dụng kích thích đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất và kích cầu cả nền kinh tế.
Song song với những lợi thế ở trong nước, kinh tế thế giới cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực dù vẫn bị bủa vây bởi nhiều áp lực. Theo Bloomberg, lạm phát toàn cầu đang có chiều hướng giảm và cuối năm nay sẽ xuống mức 5,3% cho phép các ngân hàng trung ương giảm quy mô tăng lãi suất và mở đường cho các gói hỗ trợ tăng trưởng. Suy thoái cũng đã đi qua quãng thời gian xấu nhất ở Mỹ và EU, từ đó thúc đẩy nhu cầu đầu tư ra bên ngoài.
Cú hích cho bất động sản từ các chính sách tháo gỡ khó khăn
Kinh tế thế giới và trong nước phục hồi nhanh đang trở thành động lực cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vượt trội trong khu vực vì biến động kinh tế được kiểm soát tốt hơn các nước.
Đầu năm nay, Dat Xanh Services đưa ra 3 dự báo cho thị trường. Ở kịch bản tích cực, GDP đạt khoảng 5,5 – 6,5%, lạm phát 5 – 5,5%, lãi suất 10 – 11%, thị trường sẽ hồi phục tiệm cận về mức trước dịch. Tỷ lệ hấp thụ ở mức trung bình, giá bán ổn định. Chủ đầu tư sẽ triển khai lại các dự án, tập trung vào sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực và khách hàng sẽ chuyển từ tích trữ tiền mặt sang đầu tư bất động sản, duy trì danh mục đầu tư thay vì cắt lỗ. Trong trường hợp kịch bản thách thức xảy ra, các chỉ số vẫn tích cực hơn so với giai đoạn trước.
Nhiều chuyên gia tin tưởng, thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản tích cực bởi nhận được cú hích mạnh mẽ từ nền kinh tế nói chung. Cùng với đó là hiệu quả từ các chính sách tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện. Ngay trong năm nay, những vướng mắc về pháp lý của hàng nghìn dự án sẽ dần được cởi bỏ khi Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) cùng với Luật đất đai (sửa đổi). Đây là 3 luật rất quan trọng, tác động rất lớn đến thủ tục pháp lý và quá trình triển khai dự án của các chủ đầu tư trong thời gian sắp tới.
Nguồn vốn cho cả người mua và người bán nhà sẽ dồi dào hơn trong thời gian tới bởi Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đến từng ngân hàng. Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 14 – 15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Cùng với đó, lãi suất cho vay cũng đang bắt đầu hạ nhiệt.
Cùng với động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tại các đô thị lớn như TP.HCM, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo thành phố đã 3 lần làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe những đề xuất. Mục đích hướng tới là sớm hỗ trợ thực hiện 116 dự án đang bị vướng mắc pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản sớm quay trở lại “đường đua” ngay trong năm nay. Trong đó, tốc độ phục hồi ở khu Đông TP.HCM được cho là sẽ nhanh hơn khi tập trung hàng loạt các đại đô thị quy mô lớn, sở hữu các tiêu chuẩn phù hợp với người mua ở thực. Khu Đông cũng được đánh giá sẽ giữ vững “ngôi vương” trên thị trường, tạo nên một “tọa độ” an cư và đầu tư sôi động bậc nhất TP.HCM.