Thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong việc thay đổi các định kiến giới.

Giới tính chưa bao giờ là yếu tố đánh giá khả năng lãnh đạo của một cá nhân. Những danh xưng như “phái đẹp” hay “phái yếu” vô hình trung gắn mác và giới hạn khả năng của người phụ nữ. Trong khi trên thực tế, phụ nữ trong vai trò lãnh đạo không hề cảm tính, yếu đuối và thiếu quyết đoán như nhiều người vẫn thường nghĩ.

Ngày 10/9, tại  TP.HCM, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo. với sự tham gia của Chuyên gia Giới -TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng Đồng; Chuyên gia Marketing – Ân Đặng, Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide; TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh – Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, nhóm sinh viên từ trường Đại học KHXH&NV, các đơn vị tài trợ và đối tác.

Diễn đàn là hoạt động năm trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, được RED triển khai trong bốn năm từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu là thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.

 TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng, khi nói đến vai trò lãnh đạo người ta thường hay dựa vào giới tính. Khi mô tả phụ nữ, người ta thường “phi thường” hóa vai trò của họ. Phụ nữ là phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Và đối với các nữ lãnh đạo vẫn còn nhiều định kiến như việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo thì sẽ cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Những người làm về lĩnh vực quảng cáo, truyền thông không phải là không biết họ làm chưa đúng. Nhưng có quá nhiều lý do khiến họ lựa chọn cách làm như vậy để tạo được sự quan tâm của khách hàng. Cho dù  người làm truyền thông, quảng cáo vô cùng nhạy cảm về những định kiến giới tuy nhiên sống trong xã hội mà sự chấp nhận và đồng thuận của cộng đồng mà không có phản ứng về định kiến giới. Khách hàng là người quyết định sự thành công của họ. Do vậy, góc nhìn của khách hàng thay đổi thì truyền thông sẽ thay đổi theo.

Dưới góc nhìn của Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng –  Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide chia sẻ, những sản phẩm quảng cáo lồng ghép vai trò vai trò của phụ nữ. Phụ nữ trong các thông điệp quảng cáo, PR thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ. Những hình ảnh định kiến ấy vô tình hay hữu ý  tác động vào quan niệm, suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng xã hội nam nữ bình đẳng.

Chị Ngọc Mai – đại diện RED chia sẻ, trong truyền thông, quảng cáo, chúng ta sẽ lựa chọn hình ảnh phù hợp để tạo sự quan tâm của công chúng. Quảng cáo không nhằm mục đích tuyên truyền mà ra đời để phục vụ thị trường. Chính vì thế, quảng cáo sẽ thể hiện những khuôn mẫu phổ biến và được số đông theo đuổi trong xã hội Việt Nam.

 TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, giới tính chưa bao giờ là yếu tố đánh giá khả năng lãnh đạo của một cá nhân. Trong khi trên thực tế, phụ nữ đạt được vai trò lãnh đạo thường gặp rất nhiều rào cản. So với nam giới, phụ nữ về mặt sinh học thì phải sinh con. Nếu phụ nữ sinh 2 con thì thời gian gián đoạn trong công việc hay học tập mất từ 5-6 năm. Nếu phụ nữ không cân bằng được về phía cạnh gia đình, học tập và công việc thì đứng trước nguy cơ đổ vỡ hôn nhân rất cao. Do vậy về công bằng mà xét, để đạt được vai trò lãnh đạo thì so với nam giới thì phụ nữ buộc phải cố gắng hơn rất nhiều để phát huy hết vai trò của mình.

Trong chương trình, phần đông các khách mời cũng như khách tham dự  nhìn nhận rằng cho dù là nam hay nữ thì nên có được cơ hội như nhau. Bên cạnh đó, cần nhận ra sự khác biệt về mặt sinh học để mang đến những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để họ phát huy hết khả năng của mình. Việc lựa chọn lãnh đạo không phụ thuộc vào giới mà phải dựa vào khả năng của họ.

Thanh Trúc