Chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, đổi mới và không ngừng phát triển từ Khu Đường sông ban đầu chỉ có 5 bộ phận khi được thành lập được đổi tên thành Khu Quản lý đường thủy nội địa và nay là Trung tâm Quản lý Đường thủy với tổ chức bộ máy gồm 12 bộ phận thuộc để tổ chức thực hiện vụ với các lĩnh vực chính được giao như Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy; đầu tư xây dựng; đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy.
Chiều 16-8, Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – nhận định TP.HCM có lợi thế lớn về đường thủy với hơn 1.000km đường thủy, dòng sông Sài Gòn chạy quanh và đi vào trung tâm TP.Trong đó, vận tải hàng hải chiếm đến 22% tổng sản lượng cả nước, dự báo lượng hành khách, hàng hóa thông qua TP.HCM sẽ tăng 4-5% trong thời gian tới.
Trung tâm Quản lý đường thủy cũng góp sức vào đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển).
Kết quả thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM đến nay có hơn 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí. Số phí thu bình quân 1 ngày là 6 tỉ đồng.
Trong đó, thu phí từ 1-4-2022 đến tháng 12-2023 là hơn 3.800 tỉ đồng và thu 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 1.000 tỉ đồng (đạt 48,1% so với dự kiến). Đến nay, TP.HCM dự kiến đã thu hơn 5.200 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển để quay lại đầu tư đường sá, hạ tầng kết nối vào các cảng.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM (bên phải) trao cờ truyền thống của UBND TP.HCM cho Trung tâm Quản lý đường thủy nhân kỷ niệm 30 năm thành lập –
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030 và Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Lựa chọn, đề xuất các tuyến ưu tiên đầu tư nhằm phát triển vận tải hàng hóa, vận tải hàng hóa và phát triển du lịch. Trong đó tập trung đầu tư các tuyến kết nối vùng, cảng biển ((tuyến Sài Gòn- Kênh Tẻ- Kênh Đôi- Chợ Đệm; tuyến sông Sài Gòn- Thủ Đức kết nối khu bến trên sông Đồng Nai; tuyến rạch Tra- Kênh An Hạ- Kênh Xáng- sông Vàm Vỏ Đông (tuyến vành đai ngoài); tuyến Sài Gòn Hiệp Phước…)) nhằm tạo tuyến hành lang thông suốt trong vận tải hàng hóa, hành khách, giảm tải cho giao thông đường bộ.
Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM luôn đi tiên phong trong đề xuất ứng dụng dây chuyền thi công công nghệ hiện đại, “số hóa” 82 tuyến với hơn 523km đường thủy để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác.
Toàn bộ thông tin được tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trở thành tài nguyên phục vụ quản lý, duy tu, cung cấp thông tin cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị có căn cứ xử lý kịp thời lấn chiếm hành lang, vi phạm trật tự đường thủy…
Nhìn lại chặng đường phấn đấu, thử thách đã qua, chúng ta lại càng tự hào, càng trân trọng và ghi nhận công sức của các thế hệ đi trước đã làm tròn trách nhiệm của những người khai phá, mở đường cho chúng ta tiếp bước đi lên. Thời gian sẽ qua đi, nhưng những thành quả tốt đẹp đó luôn là hành trang quý báu sẽ còn mãi đồng hành với Trung tâm Quản lý đường thủy trong mỗi bước đường phấn đấu, xây dựng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát triển hệ thống giao thông thủy của mình. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống giao thông của thành phố.
Thanh Trúc