Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả

Trong thời gian qua, sự phát triển của khoa học, công nghệ cùng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã góp thúc đẩy dịch chuyển kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội từ mô hình truyền thống sang môi trường số hoá, đồng thời khiến cho xu hướng chuyển đổi số ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng đem đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhất là trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng số.

Ngày 9/12/2022, Cục sở hữu trí tuệ – VPDD tại TPHCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (CHG.VN) tổ chức Hội thảo về “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả”.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ diễn ra trên môi trường internet, cụ thể là thương mại điện tử đang có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, bên cạnh sử dụng các kênh phân phối hiện đại này thì làm thế nào để quản lý, giám sát được hoạt động của nó đang được thị trường và người tiêu dùng quan tâm rất nhiều. 

Về sự nguy hại cũng như thiệt hại của hàng giả, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phân tích hệ lụy của hành giả là vô cùng lớn. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến quyền lợi và nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và ngân sách của Nhà nước. 

Do sử dụng công nghệ thông tin nên quy mô và thủ đoạn của hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi, đa dạng. Nó không chỉ trong một vùng, một nước mà hệ thống của nó có thể đa quốc gia dựa trên môi trường mạng internet.

Chính vì vậy theo ông Dũng, về quản lý trên mạng intenet, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Cơ quan quản lý thị trường, nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước và rất cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, để ngăn chặn cần nâng cao mức phạt về dân sự và nếu những vụ nguy hiểm ảnh hưởng lớn cần phải truy tố.

Chia sẻ những giải pháp từ việc ứng dụng công nghệ số trong chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái từ rất lâu, hiện nay CHG đã triển khai thêm nhiều ứng dụng mới như đầu tư thêm nhà máy, công cụ để sản xuất con tem chống hàng giả loại mới, hiện đại nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện hàng hóa và góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty Vina CHG đã mở rộng đầu tư mở xây một nhà máy sản xuất tem chống giả trên bao bì. Theo ông Hồng, việc dùng tem chống giả trên bao bì sẽ giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí cho chống hàng giả. Vì trước đây thay vì phải dán tem chống giả trên từng sản phẩm thì bây giờ có thể tiết kiệm bằng việc dán trên một bao bì.

Ông Lê Huy Anh – Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT – Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, những khó khăn khi thực thi quyền SHTT trong môi trường số đó là: Khó xác định nguồn gốc hàng hoá xâm phạm quyền; Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng; Các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển, gây khó khăn cho công tác điều tra… Ngoài ra, công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về SHTT đối với các sàn TMĐT còn chưa thực sự hiệu quả, việc áp dụng biện pháp chặn đối với các trang web TMĐT có hành vi xâm phạm quyền SHTT còn chậm.

Để tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT trên môi trường số, ông Lê Huy Anh đưa ra giải pháp: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi như Công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, cũng tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn TMĐT trong việc cung cấp hàng thật, nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; Hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với hàng hoá xâm phạm quyền SHTT (ký thoả thuận giữa chủ thể quyền SHTT với nhà cung cấp dịch vụ trung gian); Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ để rà soát đầu vào và nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT ra khỏi các sàn TMĐT.

Thanh Trúc